Cập nhật: 25/05/2019 02:13:53
Nơi đóng những con tàu lớn
Từ một xưởng đóng tàu nhỏ với nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu quân sự, sau 30 năm, Nhà máy đóng tàu Z189 (Bộ Quốc phòng) đã đóng hàng chục tàu quân sự hiện đại cho Quân đội nhân dân Việt Nam phục vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo và hàng loạt hợp đồng đóng tàu cho đối tác nước ngoài, kể cả tàu quân sự.
Bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử thuộc bán đảo Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An (TP.Hải Phòng), Nhà máy đóng tàu Z189 như một đại công trường. Hàng chục chiếc tàu quân sự, tàu hàng, du thuyền... trị giá hàng trăm triệu USD đang được thi công và số khác đang chờ đến ngày nhổ neo.
Ngày càng trưởng thành
Đại tá Nguyễn Văn Điều - Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Z189 cho biết: Trước đây, đơn vị đã đóng các loại tàu vận tải, tuần tra cao tốc, tàu đổ bộ, chỉ huy huấn luyện, cứu nạn tự phục hồi cân bằng và các loại xuồng... phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của quân đội trong tình hình mới, nên tập thể công ty đã quyết tâm “vượt sóng cả”. Sau nhiều nỗ lực, những con tàu rộng hơn 20m, dài gần 100m, trang bị khí tài hiện đại lần lượt ra đời, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, Nhà máy đóng tàu Z189 còn ký hợp đồng đóng tàu thương mại cho nhiều đối tác trong và ngoài nước trị giá hàng trăm triệu USD. Trong ảnh: Du thuyền nổi 5 sao được cán bộ công nhân nhà máy đang thi công. |
Trong căn phòng truyền thống, hình ảnh, mô hình những chiếc tàu lần đầu tiên sản xuất trong nước và bàn giao cho quân đội được treo trang trọng trên tường.
Hôm chúng tôi đến công trường nhà máy, thật tình cờ khi cán bộ, kỹ sư Nhà máy đóng tàu Z189 đang “khám bệnh” cho tàu CSB 8001 tại nơi khai sinh ra nó, sau nhiều tháng trời thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đại tá Nguyễn Văn Điều cho biết, thành công nhất đến thời điểm này là hạ thủy bàn giao tàu Cảnh sát biển 8004 cho quân đội.
Đây là tàu Cảnh sát biển hiện đại do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế, chuyển giao công nghệ và công nhân, kỹ sư nhà máy thi công. Tàu được hạ thủy sau một năm kể từ ngày đặt ki, đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó về tiến độ đóng tàu.
Sự trưởng thành của Z189 đã tạo niềm tin lớn trong quân đội. Những con tàu tuần tra đa năng, tàu bệnh viện hiện đại, tàu vận tải với năng lực hậu cần kỹ thuật tốt ra đời từ Nhà máy Z189 đã và đang hoạt động ngày đêm trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, tạo nên điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm khi khai thác đánh bắt thủy sản trên vùng biển Việt Nam, trong đó có ngư dân Quảng Ngãi.
“Với những người lính ở Z189, mỗi đơn đặt hàng được xem là một cuộc hành quân, nên khi bắt tay vào thi công chúng tôi luôn quán triệt phải thần tốc, táo bạo, đúng kỹ thuật, đúng thiết kế và hiện đại”.
|
"Chắp cánh" cho Lý Sơn
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị được Bộ Quốc phòng giao, thời gian qua, Nhà máy đóng tàu Z189 được Bộ Quốc phòng cho phép tận dụng dây chuyền sản xuất để thực hiện ký hợp đồng đóng tàu cho nhiều đối tác là doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, hàng loạt hợp đồng đóng tàu khách cho các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đã được ký kết và sau thời gian ngắn, các con tàu đã vươn khơi, góp phần hiện đại hóa đội tàu khách trên hàng chục tuyến đường thủy ven bờ biển Việt Nam, trong đó có đảo Lý Sơn.
Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Z189, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mối quan hệ giữa công ty và Quảng Ngãi như duyên nợ từ hơn 10 năm trước, khi công ty được đặt hàng đóng tàu khách Lý Sơn. Sau đó, Z189 đã đóng cho Quảng Ngãi thêm 2 chiếc tàu khác gồm: Super Biển Đông, Super 2 Biển Đông... “Lẽ ra, những con tàu này phải sau một năm mới hoàn thành, nhưng vì chủ tàu Trần Đình Xem là một người đặc biệt và Lý Sơn càng đặc biệt hơn, nên chúng tôi quyết định rút ngắn thời gian thi công xuống chỉ còn khoảng 6 tháng”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Dịch vụ Biển Đông Trần Đình Xem, chủ đôi tàu cao tốc hiện đại nhất trên tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn cho biết: Qua giới thiệu của một người bạn, ông tìm đến Z189 để... dò xét xem thế nào. Khi nhìn thấy sự chuyên nghiệp của cán bộ kỹ sư, công nhân nhà máy, nên ông quyết định ký hợp đồng đóng tàu mà không một chút do dự.
“Tôi ký xong hợp đồng, nhưng vẫn không thể tin tàu Super Biển Đông dài hàng chục mét, nặng hàng trăm tấn, nhưng lại được thi công trong thời gian chưa đến 6 tháng. Lãnh đạo nhà máy rất có trách nhiệm không chỉ trong thi công mà sau khi tàu được bàn giao đưa vào khai thác, tuần nào lãnh đạo nhà máy cũng điện thoại hỏi thăm “sức khỏe” của con tàu, khi có trục trặc gì là cử cán bộ kỹ thuật vào kiểm tra ngay. Chính điều này đã đưa tôi đi đến quyết định đóng thêm tàu Super 2 Biển Đông và tiến độ lại tiếp tục vượt so với thời gian ký kết trong hợp đồng”, ông Xem nói.
Vươn ra biển lớn
Để có được thành quả trên, những người chỉ huy, thợ đóng tàu đã nỗ lực không ngừng trong việc học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn nước ngoài, những tập đoàn đóng tàu lớn trên thế giới, hiện đang là đối tác của nhà máy. “Chính sự cọ sát trực tiếp khi vừa học, vừa thực hành, nên tay nghề công nhân được nâng lên một cách đáng kể. Bằng cấp tương đương thợ hàn Châu Âu và giảm tối đa chi phí đào tạo, mang lại sự vững tin cho các người thợ trong từng mối hàn, khớp nối. Khi làm việc với các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, đội ngũ công nhân, kỹ sư đã học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, nâng cao được khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Tàu Super 2 Biển Đông do Nhà máy đóng tàu Z189 thi công đã góp phần hiện đại hóa đội tàu thủy vận chuyển hành khách trên tuyến đường thủy Sa Kỳ-Lý Sơn. |
Sự lớn mạnh từ nội lực, cộng với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài đã giúp Nhà máy đóng tàu Z189 tự tin ký hợp đồng những đơn hàng từ tàu khách, du thuyền, tàu huấn luyện máy bay cho khách hàng quốc tế như Hà Lan, Australia, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sỹ...
Nối tiếp thành công đó, Z189 đã “vươn khơi” ký những đơn hàng đóng tàu quân sự. Trong đó, đôi tàu cứu hộ tàu ngầm MV Basent và MV Stoker được cho Hải quân Australia. Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chiều dài tàu MV Besant 83m và MV Stoker 93m, lượng giãn nước từ 3.200-3.600 tấn, có thiết kế phức tạp, hàm lượng kỹ thuật cao. Đây là đôi tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đại nhất của Hải quân Australia cho đến thời điểm này.
Giám đốc dự án Tập đoàn Damen (Hà Lan) Ton Roefs đang đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Nhà máy đóng tàu Z189 cho biết, tàu do nhà máy Z189 đóng rất hiện đại, chất lượng sánh ngang với các nhà máy đóng tàu hiện đại nhất thế giới. Điều này cho thấy, giữa thời điểm ngành công nghiệp đóng tàu biển đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Z189 vẫn thành công, vì họ đã chọn hướng đi đúng, luôn thay đổi để tiệm cận với công nghệ hiện đại nhất.
Nguồn http://baoquangngai.vn
- Tàu FCS2710 - YN532918 chạy thử đường dài trên biển
- Bàn giao Sà lan AM210CL
- Lễ bàn giao Tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ
- Trao Quyết định nâng lương, thăng quân hàm cho QNCN, CN&VCQP và thăng quân hàm sĩ quan cấp Thượng tá năm 2024
- Lễ hạ thủy Tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ
- Lễ đặt ky Tàu kéo ASD 2813