Cập nhật: 12/11/2019 07:45:35
Nhà máy Z189 nỗ lực vượt khó để khẳng định thương hiệu
Những năm gần đây, Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) gặp nhiều khó khăn do nhiệm vụ sản xuất quốc phòng giảm; thị trường đóng tàu trong nước, xuất khẩu chậm phục hồi và cạnh tranh gay gắt, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng. Mặc dù vậy, với sự năng động, sáng tạo, nhà máy đã có nhiều giải pháp hiệu quả để duy trì sản xuất ổn định, xây dựng được thương hiệu mạnh trong ngành công nghiệp đóng tàu.
Phát huy sức mạnh nội lực
Đến Nhà máy Z189, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc hăng say của cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật nơi đây. Tất cả đang hối hả chạy đua với thời gian để hoàn thành sản phẩm bàn giao đúng hẹn cho đối tác. Thượng tá, TS Trần Thế Vỹ, Giám đốc nhà máy đưa chúng tôi đi tham quan một vòng các xưởng chính rồi dẫn lên xem con tàu du lịch đang dần hoàn thiện. Anh chia sẻ: “Vừa qua, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức, chuyển đổi cơ chế quản lý, chú trọng vào việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; nghiên cứu mở rộng, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm phù hợp, hiệu quả. Nhà máy luôn xác định sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nên luôn cân đối, phân bổ thời gian, lực lượng hợp lý để “đi bằng cả hai chân”, tạo sự phát triển ổn định, vững chắc”.
Bộ đôi tàu cứu hộ, cứu nạn tàu ngầm Nhà máy Z189 đóng cho hải quân Australia.
Tăng cường đầu tư công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiếnVới chủ trương trên, nhà máy đã ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; song song với đó là tận dụng tối đa công năng dôi dư tại chỗ để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế. Quá trình sản xuất, nhà máy luôn đề cao việc nâng cao chất lượng sản phẩm, triệt để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng, có ưu thế về công nghệ, nhất là sở trường đóng tàu bằng hợp kim nhôm. Nhờ đó, sản phẩm nhà máy sản xuất ra đã có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cùng với việc xác định hướng đi đúng đắn, nhà máy đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vừa qua, nhà máy đã mạnh dạn sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động phù hợp với mô hình hoạt động; xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế riêng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thi, hội thao nâng cao tay nghề cho cán bộ, kỹ sư, công nhân...
Xác định việc đầu tư công nghệ, máy móc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm nên vừa qua, nhà máy đã mạnh dạn mua sắm, bổ sung nhiều trang thiết bị, dây chuyền, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Trong đó, có thể kể đến những gói mua sắm ngang tầm khu vực, như: Công nghệ nâng hạ tàu bằng hệ thống sàn nâng Rollroyce của Mỹ, có sức nâng hơn 3.000 tấn; thiết kế cầu cảng dài 270m cho tàu có tải trọng đến 10.000 tấn; công nghệ dịch chuyển tàu bằng hệ thống xe và đường chuyền đồng bộ từ xưởng đóng tàu ra sàn nâng; triển khai phóng dạng, thiết kế thi công đóng tàu bằng phần mềm Shipcontructor; gia công chi tiết cơ khí có độ chính xác cao bằng máy phay vạn năng CNC... Với các dây chuyền, trang thiết bị mới này, nhà máy đã có đủ năng lực đóng mới tàu quân sự có trọng lượng hơn 3.000 tấn, tàu vận tải có trọng tải 5.000 DWT; các loại tàu, xuồng tuần tra cao tốc với tốc độ 40 hải lý/giờ.
Ngoài ra, nhà máy coi trọng và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong vài năm trở lại đây, nhà máy có 1 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp tổng cục, 3 đề tài cấp cơ sở và 251 sáng kiến, giải pháp áp dụng hiệu quả vào sản xuất, giúp làm lợi hơn 50 tỷ đồng. Hiện nay, nhà máy đang tiếp tục triển khai nhiều đề tài, dự án mới, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, phát triển thị trường, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác, khách hàng truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là với các thị trường khó tính. Trong lĩnh vực sản xuất hàng kinh tế, nhà máy đang đẩy mạnh hợp tác, đóng mới xuất khẩu được hàng chục loại tàu có giá trị kinh tế cao sang châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ... Nhà máy đã áp dụng nhiều phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại, như: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; tiêu chuẩn đánh giá rủi ro JH143 của Liên hiệp Ủy ban chung quốc tế về đóng tàu; hệ thống phần mềm chuyên dụng quản lý vật tư, tài chính… Đây cũng là nhà máy đầu tiên trong quân đội được cấp giấy chứng nhận TCVN ISO 9001:2015...
Do triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên gần đây, Nhà máy Z189 không chỉ giữ ổn định tình hình sản xuất mà còn tiếp tục phát triển đi lên, bảo đảm việc làm thường xuyên cho người lao động. Mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nhà máy đạt 7%; năm 2018, tổng doanh thu 1.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 100,3 tỷ đồng, giá trị tăng thêm 189,2 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 40,01 tỷ đồng, thu nhập bình quân 12,54 triệu đồng/người/tháng. 9 tháng của năm 2019, doanh thu của nhà máy 802,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 12 triệu đồng/tháng. Năm 2018, nhà máy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.
Nguồn : qdnd.vn, Bài và ảnh: VĂN CHIỂN
(ĐVD-KTCN)
- Tàu FCS2710 - YN532918 chạy thử đường dài trên biển
- Bàn giao Sà lan AM210CL
- Lễ bàn giao Tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ
- Trao Quyết định nâng lương, thăng quân hàm cho QNCN, CN&VCQP và thăng quân hàm sĩ quan cấp Thượng tá năm 2024
- Lễ hạ thủy Tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ
- Lễ đặt ky Tàu kéo ASD 2813